0932544567 lienhe@chungcuhadong.com.vn

Người Hà Nội được mua nhà ở xã hội tại TPHCM

Bà Phạm Thị Thu Hà – Phó trưởng phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng – cho biết, Luật Nhà ở mới cho phép người ở Hà Nội được mua nhà ở xã hội ở TPHCM và chỉ cần xác nhận chưa có nhà ở tại đây.

Tại Hội nghị Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai , nhà ở, kinh doanh bất động sản” chiều 15/10, bà Hà cho biết chính sách phát triển nhà ở xã hội là chính sách được tất cả người dân quan tâm. Trước đây, người ở tỉnh nào được phép mua nhà ở xã hội tỉnh đó nay mở rộng ra các tỉnh khác nhau.

Theo đó, người ở Hà Nội chỉ mua được nhà ở xã hội Hà Nội còn giờ muốn mua nhà ở xã hội TPHCM thì chỉ cần chứng minh không có nhà ở tại đây có thể mua được.

Bà Hà cho hay, việc chứng minh bằng cách xin xác nhận vợ, chồng không có “sổ đỏ” tại nơi có dự án nhà ở xã hội thay vì phải xác minh rất nhiều thông tin như trước đây… Luật mới cũng lấy mốc thu nhập hàng tháng dưới hoặc bằng 15 triệu đồng hoặc tổng thu nhập 2 vợ chồng dưới hoặc bằng 30 triệu đồng là đủ điều kiện mua nhà ở xã hội .

Người Hà Nội được mua nhà ở xã hội tại TPHCM- Ảnh 1.

Đại diện Bộ Xây dựng thông tin, trong pháp luật hiện hành, trình tự phát triển nhà ở xã hội theo luật mới đã rút ngắn rất nhiều thủ tục hành chính, gồm 3 bước:

Ở giai đoạn chuẩn bị dự án, bước quy hoạch có sự khác biệt trong đó có yêu cầu về quy hoạch khi đấu thầu dự án là có quy hoạch phân khu 1/2000 hoặc chi tiết tỷ lệ 1/500. Đặc biệt, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ dự án; không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn. Bên cạnh đó, trường hợp chủ đầu tư xây dựng trong phạm vi dự án nhà ở xã hội thì việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất phải nộp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hai bước ở giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án không có sự khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.

” Đất để phát triển nhà ở xã hội là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp đều đang rất quan tâm. Với luật mới, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo nhu cầu của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bao gồm: Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực, phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng nhà ở xã hội”, bà Hà nói.

Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, bà Hà khẳng định,chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn và hưởng mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng.

Về giá bán, công thức tính giá thuê, giá thuê mua được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh nơi có dự án sẽ thực hiện việc thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư đề nghị.

Về vấn đề nguồn vốn ưu đãi có thêm điểm mới đó là nguồn vốn ủy thác từ quỹ phát triển nhà ở địa phương (nếu có), ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái nhà ở và các nguồn hợp pháp khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định để thực hiện mục tiêu, kế hoạch nhà ở xã hội tại địa phương. Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định sẽ cho vay nhà ở xã hội theo quy định do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ…

Theo báo cáo Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường quý II năm nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, tăng 4 dự án và 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3. Cụ thể, có 75 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với quy mô 39.884 căn, 128 dự án đã khởi công xây dựng có quy mô 115.379 căn, 300 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 262.937 căn…

Ngày đăng: 16/10/2024 - Lượt xem: 102

Bài viết liên quan